Dù cây nở nhiều hay ít hoa, ra nhiều hay ít lá, chúng ta cũng nên dứt khoát đưa cây Mai ra khỏi nhà trước mùng mười tháng giêng âm lịch để chăm sóc cây Mai càng sớm càng tốt. Sau đây là các biện pháp kỹ thuật cơ bản:
1. Ánh sáng dành cho cây mai vàng
Mai vàng là cây cảnh ưa sáng. Vì vậy khi trồng nên chọn vị trí có ánh sáng thật nhiều (ánh nắng trực tiếp) có từ 6 giờ chiếu sáng trở lên, nếu trồng ở sân thượng thì bảo đảm yêu cầu về ánh sáng. Trồng ở ban công thì thích hợp hơn ở hướng chính đông hoặc chính tây (có từ bốn giờ chiếu sáng trở lên). Cây Mai sản xuất lớn thì người ta trồng ở vùng rộng lớn, cánh đồng có ánh nắng trực tiếp cả ngày.
2. Bổ sung đất phân, thay đất, cắt rễ già, tỉa cành, tỉa hoa, nụ, quả cho mai vàng
Trồng cây Mai trong chậu thoát nước tốt: dưới đáy chậu bỏ một lớp cát xây, vỏ trấu chưa đốt, đá dăm nhỏ, miểng sành, sứ,… để nước mưa hay nước tưới cho cây Mai khi quá nhiều sẽ thoát ra ngoài dễ dàng vì cây Mai cần đủ ẩm nhưng không chịu được ngập, úng lâu ngày.
a/ Bổ sung đất phân trên mặt chậu (tiến hành hàng năm):
Lấy 5->10cm đất mặt chậu bỏ đi, bổ sung vào bằng hỗn hợp đất phân trồng mai theo công thức: 30% phân hữu cơ (phân bò, dê) + 30% đất phù sa + 40% phân trấu, rơm rạ, xơ dừa,…Công thức này có thể vận dụng theo nguyên liệu của từng địa phương sao cho phù hợp.
b/ Thay đất cho mai vàng
Xăm quanh chậu, kéo cây Mai ra, cắt bớt rễ, đất phía dưới đáy(10->20cm) và xung quanh (5->10cm), 2 năm tiến hành một lần.
Bỏ hỗn hợp đất phân trồng Mai vào đáy chậu và xung quanh, làm sao để thấp hơn miệng chậu khoảng 5cm để tưới nước và bổ sung phân bón sau này. Hỗn hợp đất phân trồng Mai: 30% phân hữu cơ (phân bò, dê) + 30% đất phù sa + 40% phân trấu, rơm rạ, xơ dừa,…
c/ Dùng hóa chất kích thích ra rễ và nẩy mầm như Atonik, KTR,…pha nồng độ 1/1000 tưới đẫm vào chậu Mai sau khi đã vào đất phân đầy đủ.
d/ Tỉa cành, tỉa hoa, nụ và quả cho mai vàng
Tỉa lại cành cho cây Mai có tán cân đối, cắt ngắn lại những cành vượt ở tán và cắt bỏ những chồi vượt trong thân. Tỉa hết hoa, nụ và quả.
3. Chế độ tưới nước cho cây mai vàng
Cây Mai ưa nước sạch, không chịu được nước nhiễm chua phèn, mặn. Cây Mai ưa ẩm vì vậy phải được tưới nước hàng ngày trừ những ngày mưa to. Nếu ta thấy trời mưa lâm râm, cứ nghĩ cây đủ nước nên không tưới, cây Mai sẽ bị khô lá, lá bị vàng ở đầu ngọn và tuổi thọ của lá Mai sẽ bị ngắn dần. Việc này nếu xảy ra nhiều lần trong năm sẽ làm cây Mai không giữ được lá đến 12 tháng để đợi chúng ta lặt lá và ra hoa tập trung. Do đó cây Mai sẽ ra hoa lác đác từ tháng 9->12 âm lịch. Vì vậy cây Mai sẽ không nở được tập trung, ít hoa.
4. Bón phân cho cây mai vàng
a/ Phân hóa học:
Sau khi bổ sung đất phân hoặc thay đất một tháng, tiến hành bón phân NPK 20:20:20, 16:16:8, pha nồng độ 1/1000 (1 muỗng cà phê NPK pha với 4 lít nước) tưới đẫm vào chậu Mai hay rải phân NPK xung quanh vành chậu và xới đất trộn phân với liều lượng ½ muỗng cà phê đến 1 muỗng cà phê cho chậu Mai có đường kính lớn hơn hoặc bằng 50cm. Bón vào các tháng 2,5,8,11 âm lịch.
b/ Phân hữu cơ (phân bò, dê, vi sinh): bón vào các tháng 6,10 âm lịch. 3->5kg phân hữu cơ hoai trên chậu có đường kính lớn hơn hoặc bằng 50cm. Phân vi sinh 1kg/chậu có đường kính lớn hơn hoặc bằng 50cm. Liều lượng thay đổi tùy thuộc vào đường kính chậu Mai.
5. Kỹ thuật tỉa cảnh cho cây hoa mai vàng
2 tháng một lần tỉa cành cho Mai, lưu ý tỉa những cành vượt, những ngọn cành vươn quá dài, tước bỏ những chồi vượt mọc từ trong thân. Những cành ở xung quanh tán vươn dài bấm để lại từ 2->4 nách lá. Tỉa thoáng cành Mai để ánh sáng chiếu trực tiếp vào tất cả những thân cành trên cây Mai. Có thể kê chậu Mai lên cao khỏi mặt đất từ 30->50cm để cây Mai được hưởng ánh nắng trực tiếp từ trên xuống dưới, hạn chế tối đa sự mất dần những cành phía dưới gần gốc Mai.
6. Phòng trừ sâu bệnh cho hoa mai vàng
a/ Sâu, nhện đỏ ở cây mai vàng
Mai thường có các loại bọ trĩ, sâu cắn lá, nụ hoa, sâu đục thân, rầy rệp các loại và nhện đỏ. Ta dùng các loại thuốc như Confidor, Trebon, Danitol, Sherpa, Politryl, Supracid, … kết hợp với chất bám dính phun liên tục 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 đến 5 ngày.
- Khi cây Mai ra đọt non, lá non là thời điểm bọ trĩ phá hoại mạnh, nên kịp thời phun thuốc.
- Sau khi lặt lá Mai sẽ thấy rầy, rệp các loại bám trên thân cành và nụ, phun kỹ vào giai đoạn này.
- Trước khi Mai nở (khoảng 20->25/12 âm lịch) phun nhẹ thuốc phòng trừ sâu rầy phá hoại nụ hoa.
b/ Bệnh ở cây mai vàng
Phấn trắng, gỉ sắt, đốm lá, nấm hồng, … dùng các loại thuốc trừ nấm tổng hợp.
7/ Lặt lá cây Mai vàng
Đóan ngày lặt lá cho Mai sẽ ra hoa đúng Tết Nguyên đán. Đây là một việc làm mang tính đòi hỏi sự cảm nhận, kinh nghiệm của người trồng và chơi Mai. Lặt lá Mai phụ thuộc vào thời tiết (lập xuân), loại Mai 5,9,12 cánh,…, cây Mai khỏe hay yếu, tập tính của từng cây Mai được trồng, chăm sóc của riêng từng gia đình, được đặt ở những vị trí của riêng từng nhà,…
Trước tiết lập xuân trời lạnh, sau tiết lập xuân trời ấm, kết hợp với theo dõi dự báo thời tiết hằng ngày để quyết định ngày lặt lá Mai, bản thân cứ mạnh dạn quyết định vài lần để tự rút ra kinh nghiệm.
Thông thường: Mai 12 cánh (Mai tai giảo) lặt lá từ 25/11 đến 5/12 Âm lịch. Mai 5 cánh đến 9 cánh lặt lá từ 5->10/12 Âm lịch. Ngoài ra còn phụ thuộc vào nụ Mai lớn, nhỏ, lá Mai già hay xanh để quyết định ngày lặt lá. Lặt lá Mai là một việc làm hết sức tỉ mỉ, thận trọng, cân nhắc trải qua những tâm trạng hồi hộp, lo lắng, phấn khởi , hy vọng, thất vọng … thật hết sức thú vị.
Kính chúc quí vị hằng năm có được cây Mai rực rỡ hoa vàng do tự tay mình chăm sóc.
Mọi chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Làng Mai Vàng Bình Lợi - Cung cấp mai vàng tết 2015 -Xem mai tại vườn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét