Người Việt thường lẫn lộn trong việc đặt tên hoa. Chẳng hạn, cùng tên Mai nhưng những hoa này lại thuộc nhiều tộc họ thực vật không có liên hệ bà con gì cả. Như gốc cây Mai đại thụ ở địa danh Chùa Cây Mai (Sài Gòn) có tên mỹ miều trong thơ văn là “Bạch Mai”, tên dân dả “Mai Mù u”, có tên khoa họcOchrocarpus siamensis var.odoratissimus Pierre, thuộc họ Bứa Guttiferae. “Mai Chấn Thủy” thường làm cây kiểng, tiểu cảnh (bonsai) là Wrightia religiosa (Teisjm. Binn) Hook. f. thuộc họ Apocynaceae.
Ở bài này, tôi chỉ đề cập đến Hoa-Mai-Vàng (Huỳnh Mai, Hoàng Mai) mà người dân Miền Nam, từ Huế cho tới Cà Mau, đều có chưng một vài cành trong dịp Tết Nguyên Đán. Tên khoa học của Hoa-Mai-Vàng-Ngày-Tết này làOchna integerrima (Lour.) Merr. (cũng có tên Elaeocarpus integerrima Lour., và Ochna harmandii Lec., tên Trung Hoa 金莲木) thuộc họ Ochnaceae.
Mai Ochna ở Việt Nam
Theo GS Phạm Hoàng Hộ, họ Ochnaceae tại Việt Nam có hai loài Mai Ochna:
Mai-tứ-quý, còn gọi là Mai Đỏ, trước đây mang nhiều tên như Ochna atropurpurea DC., Ochna multiflora,Ochna serratifolia, hiện nay các nhà khoa học cùng chấp nhận tên Ochna serrulata (Hoshst.) Walp. Loài Mai này có nguồn gốc phía đông Mủi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), thuộc Nam Phi. Hoa cũng màu vàng, cành ít hoa hơn, và ra bông lẻ tẻ suốt năm. Mai này thường trồng trong sân trước nhà, trong chậu để làm cây cảnh, nhưng không cắt nhánh để chưng trên bàn như loài Mai-Vàng. Mai-tứ-quý chịu lạnh giỏi, vì có nguồn gốc xứ lạnh, ở vỉ độ 32º Nam Bán cầu, nơi có nhiệt độ trung bình 7 °C trong mùa lạnh, nên được ưa chuộng ở Bắc Mỷ nơi có khí hậu ôn hòa trong mùa đông (trên 10°C). Trung quốc và Việt Nam du nhập giống này từ lâu đời. Tại miền Bắc Việt Nam, đa số mai Ochna là mai-tứ-quý.
Mai-Vàng (hoàng-mai – thường gọi là huỳnh-mai vì cử húy tên chúa Nguyễn Hoàng, Champax) tức Ochna integerrima, là loài mai bản địa, mọc hoang trong rừng còi từ Quảng Trị vào Nam, có hoa từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, tùy nơi. Đây chính là Mai-Vàng-Ngày-Tết ở Miền Nam. Tôi đã cố công tìm kiếm trên mạng, cũng như trong các sách thực vật học vùng Đông Dương và Đông Nam Á để tìm nguồn gốc chữ Champax, thì thấy có tên này, nhưng không nói đó là ngôn ngữ nước nào. Phải chăng Champax và Champa (nước Chiêm Thành) có liên hệ với nhau? Bởi vì lảnh thổ hoa Mai-Vàng cũng chính là lảnh thổ của Chiêm Thành ngày xưa.
Mai-Vàng ngày Tết Ochna integerrima phân bố địa lý từ vùng Đông Bắc Ấn Độ, Andamans, Nicobars (giữa vỉ tuyến 6º và 14º N), Bangladesh, Burma, Bán đảo Mả Lai, đến Đông Dương, từ xích đạo cho tới Khammouan (vỉ độ 17.4 ºN) thuộc Lào, Đảo Hải Nam (vỉ tuyến 20 º N), và Tây Nam Quảng Đông (khoảng vỉ tuyến 24 º N) gần vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc, nơi có nhiệt độ mùa đông trung bình 10ºC. Tại vùng cực bắc này, hoa Mai-Vàng bắt đầu nở vào tháng 3 và 4 dl, nở rộ từ tháng 4 đến tháng 6 dl.
Tại Việt Nam, Mai-Vàng thấy mọc hoang ở rừng núi Côn Đảo (vỉ tuyến 8º 02’ N, là đảo cực nam của Việt Nam), tập trung nhiều nhất từ vùng rừng núi ở Miền Đông, Miền Trung, Cao Nguyên cho tới Quảng Trị, từ mực nước biển cho tới cao độ 700 m. Trên vỉ tuyến 17 ºN, cũng thấy Mai Vàng mọc rải rác ở vùng Quảng Bình (Bến Én), Đèo Ngang (Hà Tỉnh), Nghệ An (Nghĩa Đàn), Ninh Bình (Tam Đảo), đảo Bái Tử Long (vỉ độ 20.70 ºN, Quảng Ninh). Cũng tại Quảng Ninh có giống Mai-Vàng ở núi Yên Tử, chịu được lạnh, và hoa có mùi thơm. Hà Nội ở vỉ độ 20°53' - 21°23N, có nhiệt độ trung bình mùa đông là 15.2°C, có khi sụt xuống 2.7°C (tháng 1/1955). Ngược lại, Vịnh Hạ Long cũng có cùng vỉ độ (20°45'-20°50' N), nhưng nhờ ảnh hưởng của biển, nhiệt độ trung bình mùa đông ấm hơn (16-18°C), và ít khi xuống dưới 12°C. Truyền thuyết cho rằng giống Mai Yên Tử này là con cháu của gốc Mai Vàng do vua Trần Nhân Tông trồng trên núi Yên Tử khi nhà vua đi tu (từ năm 1285 đến 1288).
Như vậy, trong lảnh thổ Việt Nam, Mai-Vàng là giống bản địa mọc tự nhiên từ Nam chí Bắc, và giới hạn phân bố cực bắc của giống này ở khoảng vỉ độ 24 ºN trong lảnh thổ Trung quốc. Tại vỉ độ này, như Tiandong Xian (vỉ độ 23 º.60’N, cao độ 60 m) có nhiệt độ trung bình mùa đông khoảng 10-12°C.
Mai-Vàng Ochna integerrima được mô tả là loại cây lá rụng theo mùa (deciduous) trong rừng lá rụng ở Đông Nam Á. Lá mai rụng trong mùa đông, sau đó ra hoa trong mùa Xuân, từ tháng 1 đến tháng 4 dl. Tuy nhiên tại Việt Nam, giống Mai-Vàng có lá xanh quanh năm (evergreen), ngoại trừ giống mai-vàng Trại Thủy ở Nha Trang (nơi có tượng Phật trên đỉnh núi khi vào thành phố) lá rụng vào mùa đông trước khi ra hoa rực rở vào dịp Tết ta. Mai-vàng chịu khô hạn và cháy rừng rất giỏi, không chịu úng nước. Sau cháy rừng, thân cây phần trên bị chết, nhưng phần gốc vẫn sống, đâm chồi mạnh, cho nhiều hoa trái hơn để bảo tồn nòi giống. Chim ăn trái chín và nhờ vậy cây Mai được phân tán rộng rải. Mai là giống vùng nhiệt đới, không chịu lạnh được nhiều, nhưng giống Mai Yên Tử ở Miền Bắc (Quảng Ninh) chịu lạnh rất giỏi. Mai Yên tử nở hoa sau Tết Nguyên Đán, thông thường từ giữa tháng Giêng đến tháng 3 Âm Lịch. Các Việt kiều ở Mỹ nên tìm trồng giống Mai-Vàng này.
Vì Việt Nam trải dài từ vỉ tuyến 8º 02' đến 23º 23' N, có nhiều loại khí hậu và tiểu khí hậu khác nhau, nên không ngạc nhiên là có rất nhiều giống Mai-Vàng, có nhiều đặc tính khác nhau, khác biệt về màu sắc, số cánh hoa, chịu đựng hạn hay lạnh khác nhau. Nhờ chim ăn trái và phát tán rộng rải, rồi qua hàng ngàn năm được thiên nhiên tuyển chọn, rồi do con người tuyển chọn (như hoa mai-vàng Yên tử do các nhà sư tuyển chọn trong hơn 700 năm) để thích ứng cho mỗi môi trường địa phương, nên có lẻ giống mai-vàng-ngày-tết rất đa dạng. Ông Quách Giao (Tập san Hoa cảnh) đã mô tả rất chi tiết hàng trăm giống Mai-Vàng ở mỗi địa phương từ nam chí bắc, từ hoa 5 cánh thông thường tới hàng trăm cánh hoa, ngoài màu vàng, trắng, hồng, đỏ lại có giông mai cánh màu đen đen (Hoa Mai Bình Giả).
Vùng Khánh Hòa đến Phan Thiết có lẻ là vùng đa dạng nhất ở Việt Nam về hoa mai-vàng, từ loài mai biển ngoài hải đảo (khoảng 200 đảo thuộc khánh Hòa, như Khải Lương, Đầm Môn, Vạn Ninh, Hòn Tre, Thủy Triều, Cam Ranh), đến mai vùng bãi cát, rồi mai rừng còi, cho tới mai núi, từ thung lủng thấp tới độ cao trên 400 m, đa dạng về màu sắc, số cánh hoa, về hương thơm. Vì vậy, không ngạc nhiên trước đây dinh Độc Lập, cũng như nhiều công thự khác ở Sài Gòn, đều có chưng cây Mai-Vàng chở từ rừng núi Cam Lâm (Khánh Hòa).
Theo ông Quách Giao, trong lảnh thổ từ Bình Thuận đến Khánh Hòa có những giống mai-vàng quý nhưMai Vïnh Hảo ở vùng núi Vïnh Hảo (Phan Thiết), thân cây nặng gấp rưởi mai thường, nên gọi là “mai đá”, gỗ thật cứng, hoa to cánh phẳng, từ 12 đến 16 cánh màu vàng rất đẹp và lâu tàn. Mai Cà Ná, Bình Châu, hoa 5 cánh màu vàng nhạt, mọc hoang ở những khu rừng từ Đồng Bò (Nha Trang) chạy vào tới Cà Ná, Bình Châu. Nha Trang có giống Hoàng-Mai-Tám-Cánh đặc thù của núi Hoàng Mai Sơn (núi Trại Thủy), giống này lá rụng trụi lủi vào mùa đông và ra hoa rực vàng cả núi đồi vào dịp Tết. “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận). Cách đây 70 năm, Phước Hải của thành phố Nha Trang là một rừng mai chạy dài từ biển tới núi Đồng Bò:
Mã Vòng đêm vắng ma trêu nguyệt Phước Hải Xuân về cọp thưởng mai
(Thơ Thuần Phong Trần Khắc Thành)
Đa số các giống Mai-Vàng trổ hoa vào dịp Tết ta, nhưng có một giống Mai Vàng ở đảo Hòn Đỏ Nha Trang nở hòa vào giữa tháng 4 âm lịch, vào mùa Phật Đản.
Mai-Vàng trên bàn chưng Tết ở Miền Nam có từ khi nào?
Dân Miền Nam vốn xuất thân từ đồng bằng Sông Hồng, đa số từ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh và Quảng Bình. Theo bước Nam Tiến, di dân tiến dần vào Nam. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa (Huế) lập cơ nghiệp nhà Nguyễn (khoảng năm 1600) hùng cứ phương nam sông Gianh. Đèo Ngang vốn là biên giới giữa Việt Nam và Chiêm Thành, ở vỉ tuyến 18 ºN, có cao độ 300 m. Mặc dầu độ cao không nhiều như Hải Vân, nhưng khí hậu phía bắc và phía nam Đèo Ngang có phần cách biệt lớn. Ở phía bắc, như Hà Tỉnh (vỉ độ 18°19'59"N) nhiệt độ trung bình mùa đông khoảng 17 ºC, có khi xuống 8 ºC, ngược lại ở phía Nam có khí hậu nóng hơn, như ở Đồng Hới (vỉ độ 17º21' N ) là vùng khô hạn hơn, nhiệt độ trung bình mùa đông 18.7ºC. Kể từ nam Đèo Ngang đến Đèo Hải Vân, nhiệt độ mùa đông cao dần. Chẳng hạn ở Huế (vỉ độ 16º 28’N), có nhiệt độ trung bình mùa đông 20 ºC, lạnh nhất là 10ºC. Đèo Hải Vân (vỉ độ 16°28' N, cao độ 1495 m) ngăn chận gió Bắc thổi từ lục địa Trung Hoa, nên phía nam có khí hậu ấm hơn. Chẳng hạn ở Đà Nẳng (vỉ độ 16°04'12"N) có nhiệt độ trung bình mùa Đông 18-23 ºC, và ít khi lạnh dưới 15 ºC. Và từ đây vào Nam, nhiệt độ mùa đông tăng dần.
Tập tục chưng mai-vàng trong dịp Tết chỉ thấy từ Huế trở vào nam. Trước đây 50 năm, dân chúng vùng từ Quảng Trị trở ra không có chưng hoa Mai trong dịp Têt mà chỉ chưng Hải đường (Chaenomeles spp. họ Rosaceae), Đổ quyên (Rhododendron sp.), hay hoa hồng (Rosa spp.), vì hoa mai nở trể sau Tết rất xa (tháng 2 và 3 dl) và không nhiều hoa. Ngày nay nhờ phương tiện di chuyển hàng hóa dễ dàng và đời sống kinh tế khá hơn, văn hóa chưng mai-vàng-ngày-tết được phổ biến rộng rải hơn, mai được chở đến từ các tỉnh phía nam.
Như vậy, giới hạn nhiệt độ trung bình mùa đông để Mai-Vàng trồng được phải trên 10 ºC, và để cho hoa Mai-Vàng nở dịp gần Tết (trước hoặc sau Tết 2-3 tuần) phải trên 15 ºC. Đó là lý do tại sao từ Huế trở vào Nam có văn hóa chưng Mai Vàng trong dịp Tết, vì có điều kiện khí hậu (cùng với kỹ thuật lặt lá) để hoa mai-vàng nở tự nhiên trong dịp Tết. Riêng ở Miền Bắc, nhờ ảnh hưởng của vùng biển mà Hoa Mai-Vàng Yên tử có hoa, trong khi ở những vùng khác Mai Vàng có hoa rất trể khoảng tháng 2 hay 3 dl, và hoa không nhiều. Như vậy, từ vùng Quảng Trị trở ra Miền Bắc không có điều kiện nhiệt độ mùa đông thích hợp cho mai-vàng nở rộ trong dịp Tết. Thay vào đó, hoa Đào thích hợp xứ lạnh, được tuyển chọn lâu đời qua mấy ngàn năm để hoa nở rộ vào dịp Tết, chính là hoa lý tưởng của Miền Bắc.
Mai-Vàng và người Việt lưu vong
Sau 1975, hàng triệu người Việt vượt biên “bỏ của chạy lấy người”. Tài sản cả một đời bỏ lại quê nhà, nhưng khi có điều kiện về thăm quê củ, dỉ nhiên tài sản không được phép mang theo, nhưng họ lại lén lút mang theo một tài sản tinh thần quý giá -hạt hay cây con mai-vàng-ngày-Tết cho quê hương mới (vì luật lệ rất khắc khe khi du nhập giống cây xứ lạ vào nước sở tại, nhất là Australia và Hoa Kỳ). Kể từ đó, mai-vàng-ngày-tết, và mai tứ-quí được trồng ngoài vườn (nơi có khí hậu cho phép), hay trong nhà (trong chậu, dạng bonsai trong chậu nhỏ) được thấy ở Hawaii (Honolulu, vỉ độ 21ºN, ngang Hà Nội), Miami (25ºN), Tampa (27 ºN), New Orleans (29 ºN), Houston (29 ºN), Dallas (32 ºN), San Diego, Little Saigon, Long Beach, Los Angeles (California, 33-34 ºN), Oklohama City (35 ºN) và San Jose (California, 37 ºN). Như vậy, cực bắc của hoa-mai-vàng của người Việt ở Mỷ là vỉ tuyến 37 ºN). Tại London (51 ºN), tôi biết có nhiều người trồng mai-vàng trong nhà nhưng không có hoa, ngoài trừ ở Vườn Bách Thảo Hoàng Gia Kew (Royal Botanic Garden Kew) trồng trong nhà kiếng nhiệt đới (nhiệt độ điều chỉnh 27-32ºC) có mai-vàng trổ hoa vào dịp Easter (đầu tháng 4).
Tại Hoa Kỳ, ở tất cả mọi thành phố có đông người Việt đều có bán chậu mai-vàng và mai-tứ-quý trong dịp Tết. Các chậu mai này được trồng ở các thành phố miền nam California, nơi có nhiệt độ ban ngày >18 ºC, nhiệt độ ban đêm > 10ºC trong tháng 1 dl, là tháng lạnh nhất trong năm. Chẳng hạn, nhiệt độ ban ngày/ban đêm vào tháng 1 dl ở San Diego (vỉ độ 32º.70’N) là 18.9º/10ºC, nhưng thỉnh thoảng có sương muối (frost). Để tránh chết vì sương muối bất thường, chậu mai được đặt trong sân vườn vào mùa hè và mùa thu, nhưng dời vào nhà hay nhà kiếng vào mùa đông. Ngay cả ở San Jose (Bắc California, vỉ độ 37 ºN, nhiệt độ tháng lạnh nhất là tháng 1 dl, nhiệt độ ngày/đêm 16 º/6 ºC), mai vàng thấy trồng ở chùa Đức Viên, và trong dịp Tết cũng thấy có bán mai-vàng dưới dạng chậu nhỏ hay bonsai, không có bông nhiều và đẹp bằng ở những nơi khác.
Vì khó bảo vệ, mua mai về chỉ thưởng ngoạn một năm, giá một cây mai (chưa kể tiền chậu) ở vùng Little Sài Gòn (nam California) tối thiểu 30 đô la, mai lớn có nhiều hoa thì giá cao gấp bội, hơn 200 đô la, nên là một thị trường béo bổ cho người sản xuất mai-vàng bán trong dịp Tết. Ngày nay, đa số mai-vàng bán ở Hoa Kỳ sản xuất từ Hawaii, cùng vỉ độ với vùng Hà Nội, nhưng có khí hậu ôn hòa, ấm áp trong mùa đông hơn. Tại Honolulu, tháng 2 dl lạnh nhất, nhiệt độ ban ngày 27 ºC, ban đêm 18 ºC, tương đương với khí hậu vùng Khánh Hòa, rất lý tưởng cho canh tác hoa-mai-vàng nở rộ đúng Tết ta.
Làm sao cây Mai-Vàng biết đọc lịch để trổ hoa vào dịp Tết nguyên đán?
Vì lảnh thổ Việt Nam chạy dài trên 15 vỉ tuyến (từ 8º 02' đến 23º 23' N), hoa Mai-Vàng đầu tiên không trổ hoa cùng một thời điểm (chẳng hạn Tết nguyên đán) nếu không trảy lá.
Tại đồng bằng Cửu Long, đóa hoa trổ đầu tiên có khuynh hướng trổ trước Tết ta từ 3 tuần đến 3 tháng, tùy giống và thời tiết nóng hay lạnh trong mùa thu và mùa đông, năm nhuần hay không nhuần. Tết ta thông thường phải sau ngày 21/1 dl, và trước 19/2 dl, năm không nhuần thường vào cuối tháng 1 hay đầu tháng 2 dl; còn năm nhuần thường giữa tháng 2 dl). Vì vậy, nếu muốn chính xác phải tính ngày cái hoa đầu tiên (first flower) trổ, theo dương lịch.
Thông thường, tại vùng Sài gòn cho tới đồng bằng Cửu Long, mai nở bông đầu tiên khoảng từ 25/11 dl đến 25/12 dl, tùy theo giống và điều kiện thời tiết. Năm 2006 (năm bị ngập lụt bởi triều cường trong tháng 10, cây mai rụng lá), hoa mai-vàng bắt đầu nở khoảng 20/11 dl (tức 3 tháng trước Tết nguyên đáng, nhằm ngày 17/2/2007, năm nhuần âm lịch). Năm nay (2009), tại vùng Bình Phước, Sài Gòn hoa mai-vàng đầu tiên nở khoảng ngày 10/12/2009, tức trước Tết Canh Dần (14/2/2010) 2 tháng.
Tại Miền Trung (Nha Trang), hoa mai đầu tiên có khuynh hướng trổ vào khoảng hạ tuần tháng 1 dl, đầu tháng 2 dl (tức gần cận Tết, hay ngày Tết), và lai rai cho tới tháng 5 dl.
Tại Miền Bắc (vùng Hà Nội), mai-vàng nở hoa đầu tiên thường từ trung tuần đến hạ tuần tháng 2 dl, tức sau Tết âm lịch (nếu năm không nhuần).
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới ngày ra hoa của cây cối vùng nhiệt đới, trong đó ba yếu tố quan trọng nhất là (i) nhật-quang-kỳ [số giờ kể từ lúc mặt trời ở dưới chân trời 6º khi bình minh (tức rạng đông) và hoàng hôn (tức chạng vạng), thông thường là thời gian từ lúc mặt trời mọc tới mặt trời lặn + 7 phút tới 30 phút], (ii) nhiệt độ, và (iii) yếu tố nước và ẩm độ không khí (khô hạn, mưa). Ba yếu tố này có ảnh-hưởng-hổ-tương rất phức tạp.
Ảnh hưởng của nhật-quang-kỳ (photoperiod)
Trái đất quay quanh mặt trời nên có ngày và đêm. Trục trái đất cũng nghiêng ngả định kỳ một góc 23º 48’ nên tạo ra ngày dài ngắn khác nhau theo mùa.
Tại Xích đạo, ngày và đêm dài bằng nhau, suốt năm.
Ở các vỉ độ Bắc, vào ngày Xuân phân (21/3, March equinox) và Thu phân (21/9, September equinox) ngày và đêm dài bằng nhau (12 giờ). Sau Xuân phân ngày dài dần (hơn 12 giờ) đến tối đa vào ngày 21/6 (Hạ chí, June solstice), sau Hạ chí ngày ngắn dần, và vào Thu Phân ngày và đêm dài bằng nhau, và ngày ngắn nhất trong năm xảy vào 22/12 (Đông chí, December solstice). Sau ngày này, ngày bắt đầu dài lại.
Cây mai tứ-quý (O. atropurpurea) ra hoa quanh năm, không bị ảnh hưởng của nhật-quang-kỳ.
Ngược lại, cây mai-vàng-ngày-Tết (O. integerrima) thuộc loại đoản-quang-kỳ, chỉ phát động việc ra hoa khi gặp ngày ngắn. Nó không phát động việc ra hoa khi gặp ngày dài. Khi ngày bắt đầu ngắn dần, đến một số giờ ngắn nào đó, cây bắt đầu phát động việc ra hoa, qua việc sản xuất các chất hormones ra hoa, tế bào sinh dục được tạo khối ở nách lá gọi là khối-sơ-khởi-tạo-hoa (primordium initiation). Số giờ của thời gian ban ngày bắt đầu phát động sinh khối-sơ-khởi-tạo-hoa gọi là nhật-kỳ-tới-hạn (critical photoperiod), trên số giờ này cây không phát động việc ra hoa. Như vậy, nhật-kỳ-tới-hạn của Mai-Vàng là bao nhiêu giờ/ngày?
Chưa có một nghiên cứu nào về vấn đề này cho Mai-Vàng. Tôi chỉ dựa vào dương lịch ngày có hoa đầu tiên nở trên cây dọc theo vỉ tuyến để ước tính. Theo tôi ước đoán, nhật-kỳ-tới-hạn của mai-vàng khoảng giữa từ 11giờ 00 phút đến 11 giờ 24 phút, tức khoảng ngày 1/11 dl ở vùng Sài Gòn, 20/11 dl ở Miền Trung, và 5/1 dl ở vùng Hà Nội và Honolulu (Hawaii, USA).
Biến đổi thời gian ban ngày (giờ. phút) theo vỉ độ Bắc
Vỉ độ
Ngày
|
10º N
Sài Gòn
|
15º N
Q. Ngải
|
20º N
Hà Nội
Honolulu
|
25 º N
Miami
|
30ºN
Houston
|
37ºN
San Jose
|
21/9
|
12.00
|
12.00
|
12.00
|
12.00
|
12.00
|
12.00
|
22/10
|
11.48
|
11.42
|
11.36
|
11.30
|
11.24
|
11.12
|
22/11
|
11.36
|
11.24
|
11.12
|
11.10
|
10.45
|
10.23
|
22/12
|
11.24
|
11.06
|
10.48
|
10.24
|
10.04
|
9.45
|
21/3
|
12.00
|
12.00
|
12.00
|
12.00
|
12.00
|
12.00
|
21/6
|
12.35
|
12.54
|
13.25
|
13.34
|
13.56
|
14.32
|
Ảnh hưởng của nhiệt độ.
Nhiệt độ có cộng hưởng với nhật-quang-kỳ với ảnh hưởng rất phức tạp. Nhiệt độ có ít nhất 3 ảnh hưởng:
(i) Ảnh hưởng hổ tương với ngày ngắn. Mặc dầu hội đủ nhật-kỳ-tới-hạn, cây mai không thể phát động ra khối-sơ-khời nếu gặp nhiệt độ lạnh, có lẻ khoảng <8 ºC.
(ii) làm lá rụng ở một số loài cây (deciduous)
(iii) Giúp tăng trưởng khối tế-bào-sơ-khởi để thành nụ hoa. Nhiệt độ gia tăng càng cao (đến tối đa khoảng 32ºC), thời gian từ khối-sơ-khởi đến nở hoa càng ngắn, trung bình khoảng 35 ngày ở 32ºC, đến 70 ngày ở 12-15 ºC.
Ảnh hưởng của thiếu nước – hạn hán (water stress)
Thời gian hạn hán là yếu tố rất quan trọng cho cây thân mộc vùng nhiệt đới phát động tạo khối-sơ-khởi-phát-hoa. Yếu tố hạn hán cũng hổ tương với nhật-quang-kỳ và nhiệt độ (như cây cao-su, Hevea brasiliensis). Cây ăn trái của VN phần đông nằm trong nhóm này để phát hoa. Phải có một thời gian hạn hán (thiếu nước mưa, ẩm độ không khí thấp, từ tháng 12 đến tháng 4 dl) cây ăn trái mới ra hoa nhiều khi có mưa vào tháng 5 hay 6 dl. Thiếu nước cũng làm lá rụng ở một số loài cây. Yếu tố hạn hán không quan trọng mấy ở cây-mai-vàng, vì thời kỳ phát động tạo khối-sơ-khởi xảy trước mùa khô hạn, mùa hạn thường bắt đầu vào tháng 12 dl.
Ảnh hưởng của lặt lá.
Lá rụng theo mùa (deciduous) là hậu quả ảnh hưởng hổ tương của nhật-quang-kỳ, nhiệt độ, và/hay hạn hán. Lá rụng cũng giúp tạo khối-tế-bào-sơ-khởi của nụ hoa. Ngoài ra, khi cây mai đã có nụ hoa, lặt lá giúp hoa nở rộ đồng bộ trên cành.
Triều cường cao nhất trong 48 năm xảy ra từ 26/10 đến 29/10/2007 gây ngập lụt các vườn mai-vàng vùng Sài Gòn, Gia định, Bình Dương, Biên Hòa, làm lá mai vàng úa và rụng trụi lủi. Sự kiện tác hại của triều cường gây ra rụng lá (được xem như lặt lá) lại trùng hợp với ngày phát động tạo khối-sơ-khởi hoa mai, nên hoa mai vùng Sài Gòn nở sớm hơn năm bình thường khoảng 3 tuần lể, làm thất thu cho nhà vườn rất lớn.
Chậu hoa mai có bông nở rộ trong dịp Tết bán mới có tiền. Vì sự phát triển từ khối-sơ-khởi đến nở hoa, tùy thuộc vào dinh dưởng, nước tứới, quan trọng nhất là nhiệt độ. Vì vậy, để hoa nở đúng dịp Tết, thời điểm lặt lá mai rất quan trọng, lại tùy thuộc vào thời tiết vốn thay đổi theo vỉ tuyến.
Tại vùng Sài Gòn (vỉ độ 10 ºN), thường lặt lá khoảng 15 ngày trước Tết; tại Nha Trang (vỉ độ 12 ºN) 15 – 30 ngày; Phú Yên (13 ºN), Bình Định (13.80 ºN) 20- 30 ngày; tại vùng Hà Nội (20 ºN) 30 đến 45 ngày; ở Florida (25 ºN) 30-45 ngày; Houston, Oklahoma (29-32 ºN), 30 đến 50 ngày; và San Jose (37 ºN), 50-60 ngày trước Tết ta.
Để dễ nhớ, có lẻ công thức đơn giản sau đây giúp phỏng đoán được ngày lặt lá mai để hoa nở rộ đúng Tết:
Số ngày lặt lá trước Tết = vỉ độ x 1.5 ± vỉ độ/2
Kết luận:
Chưng một cành mai-vàng trên bàn, hay một chậu mai-vàng trong nhà vào dịp Tết là một tập tục lâu đời của người dân Miền Nam, từ giàu chí nghèo. Việc tạo ra hoa mai đúng Tết là một kinh nghiệm cá nhân quý báu của người yêu hoa mai, nhất là giới nhà vườn sản xuất bán hoa cho ngày Tết. Việc nghiên cứu về điều kiện ra hoa ở Mai-Vàng, hay hoa vùng nhiệt đới, coi như không có. Ngược lại những tài liệu nghiên cứu về hoa vùng Ôn Đới thì rất dồi dào, vì là một kỹ nghệ sản xuất hoa đồ sộ, với kỹ thuật tối tân (điều chỉnh ngày dài hay ngắn, nhiệt độ thích hợp cho mỗi thời kỳ sinh trưởng, theo chương trình tự động hóa qua máy vi tính, sử dụng hóa chất, v.v.), muốn hoa nở rộ lúc nào cũng được, để cung cấp hoa theo ý nghĩa của mỗi ngày lể, như lể Tình Nhân, Lể Mẹ, Giáng sinh, hay sinh nhật và tang lể xảy ra bất cứ ngày nào trong năm.
Tác giả chưa hề trồng Mai-vàng, nói chi đến chuyện có kinh nghiệm cá nhân. Tuy nhiên, tác giả dùng kiến thức khoa học thâu lượm được trong thời gian cộng tác nghiên cứu ở thập niên 1980s, tìm “Mô hình toán học tiên đoán ngày ra hoa” của hàng chục loại hoa màu vùng nhiệt đới, trong một đề án nghiên cứu lớn của Đại học Reading (Anh Quốc) kéo dài hơn mười năm. Vì chỉ dựa vào các thông tin do thân hửu cung cấp, có thể không chính xác, và không dựa trên thí nghiệm, nên các ước tính trên có thể sai lầm. Tuy vậy, hy vọng rằng nó sẽ cung cấp một ít kiến thức phổ thông hửu ích cho các vị hằng quan tâm, hay ít ra cũng để quý đọc giả giải khuây giây lát trong dịp Tết cổ truyền.
Cảm tạ:
Tác giả cảm tạ GS Tôn Thất Trình (Hoa Kỳ) đã cung cấp tài liệu và cho ý kiến, Dr Nguyễn Ngọc Bình (Hoa Kỳ), ThS Nguyễn Thế Thiệu (Hoa Kỳ), KS Nguyễn Thị Mỹ (Hoa Kỳ), KS Nguyễn Hoàng Long (Hoa Kỳ), KS Dương Hiển Hẹ (Hoa Kỳ), Ô Bà Đoàn Vân Anh (Hoa Kỳ), KS Trần Quốc Dzũng (Việt Nam), KS Trần Giỏi (Việt Nam) và một số thân hửu đã cung cấp thông tin về Hoa Mai Vàng ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại.
Reading (Anh Quốc), Jan/2010
Trong văn chương cổ điển Việt Nam, thường vay mượn điển tích hay truyện Trung Hoa, hoa Mai cũng được đề cập nhiều như truyện Nhị Độ Mai, hay hoa mai trong truyện Kiều, hay của nhiều tác giả khác, thì đa số thuộc loài Prunus (Đào, Mơ, Mận) của họ Rosaceae (họ hoa Hồng). Ông Lê Phạm Trung Dung (Tập san Hoa Cảnh), cũng như GS Tôn Thất Trình (Tập San Hoa Cảnh, xuân Giáp Thân 2004), đã đề cập nhiều loại hoa mang tên Mai, nhưng có tên khoa học không phải trong chi tộc Mai-Vàng-Ngày-Tết ở Miền NamOchna, nên tôi không lập lại ở đây. Cũng vậy, sau 1975, hàng mấy triệu người Việt sống tha hương khắp thế giới, vốn nặng tình với cố quốc, nên hể thấy giống hoa gì có màu vàng nở vào dịp Tết ta, đều gọi nó là Mai, quen thuộc nhất là Forsythiasp. (Mai Mỷ, Mai Canada, Mai xứ lạnh), thuộc họ Lài Oleaceae, thường gặp trong công viên vùng lạnh ở Hoa Kỳ, Canada, và Âu Châu.
Trích từ : http://nlsbaoloc.info/index.php?option=com_content&view=article&id=884:tn-mn-v-ging-hoa-mai-vang-ngay-tt-trn-ng-hng-ph-d&catid=93:khoa-hc-va-sc-kho&Itemid=300
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét